I/ TÊN GỌI:
Tràng chuỗi hạt Kinh Mân Côi (Mai khôi – Môi khôi – Môi Côi – Văn Côi) xuất phát từ chữ La tinh Rosarium có nghĩa là vườn hoa hồng. Với ý nghĩa mỗi câu kinh Kính Mừng như những đóa hoa hồng dâng lên Đức Mẹ Maria.
II/ NHỮNG KINH ĐƯỢC ĐỌC KHI CẦU NGUYỆN VỚI CHUỖI MÂN CÔI
1/ Kinh Lạy Cha: Kinh thánh Tân Ước theo thánh LuCa đoạn 11, câu 1-4 Chúa Giê Su đã dạy các môn đệ cầu nguyện, nội dung lời cầu nguyện đó chính là kinh Lạy Cha.
2/ Kinh Kính Mừng: Kinh Kính Mừng có hai phần nội dung đó là lời Chúa trong Kinh Thánh Tân Ước cộng với lời Hội Thánh hướng dẫn kêu xin cùng Đức Mẹ.
- Theo Kinh Thánh : “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà” (Lời Thiên Thần Gabriel ca tụng Đức Mẹ khi truyền tin cho Đức Mẹ rằng Bà đã thụ thai). “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ và Giêsu con lòng em được chúc phúc” (Lời bà Thánh Isave chị họ của Đức Mẹ thốt lên với Đức Mẹ).
- Lời Hội Thánh hướng dẫn kêu cầu : “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng tôi là kẻ có tội ngay bây giờ và trong khi hấp hối, Amen”.
Cũng cùng nội dung như vậy, nhưng ở mỗi nhà dòng, mỗi quốc gia có truyền thống khác nhau từ ngữ có khác nhau đôi chút. Vào năm 1568 Đức Giáo Hoàng Pio V đã tổng hợp tất cả các truyền thống lại và chính thức công bố kinh Kính Mừng cho toàn thế giới với nội dung như hiện nay.
3/ Kinh Sáng Danh: Là Kinh của Giáo Hội Công Giáo mang nội dung ca tụng Chúa Ba Ngôi.
4/ Ngắm (Các đoạn đọc lên để suy ngẫm): Suy ngẫm, tưởng nhớ đến các sự kiện và những biến cố đặc biệt trong cuộc đời của Chúa và Đức Mẹ, được chia làm 3 mùa, mỗi mùa có 5 sự để ngắm bao gồm :
- Mùa Vui : Thiên Thần truyền tin cho Đức Mẹ chịu thai, Đức Mẹ đi thăm người chị họ là thánh Nữ Isave, Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu, Đức Mẹ dâng Chúa vào đền thờ và bị lạc chúa, Đức Mẹ tìm thấy Chúa.
- Mùa Thương: Chúa Giêsu đau buồn đổ mồ hôi máu vì biết mình sắp chịu nạn, Chúa Giêsu chịu đánh đòn, Chúa Giêsu chịu đội mũ gai, Chúa Giêsu vác Thánh giá lên đồi Golgotha, Chúa Giêsu chết trên Thánh Giá.
- Mùa Mừng: Chúa Giêsu sống lại, Chúa Giêsu lên trời, Chúa Thánh Thần hiện xuống, Đức Mẹ lên trời cả hồn và xác, Đức Mẹ được phần thưởng trên trời.
III/ LỊCH SỬ:
Vào những thế kỷ đầu tiên của giáo Hội Công Giáo cổ đại, các vị ẩn tu trong khu vực sa mạc Ai Cập đã đọc kinh Lạy cha nhiều lần trong ngày, và họ lấy số lượng 150 kinh Lạy Cha làm chuẩn. Kinh Lạy cha được dịch ra tiếng Anh cổ lần đầu tiên vào năm 650.
Vào thế kỷ 12, Đức Mẹ Maria làm phép lạ và cho người dân thị kiến nhiều nơi trên thế giới và việc sùng kính Đức Mẹ khởi sắc khắp nơi. Thánh Đa Minh (1170-1221) là người sáng lập dòng Đa Minh đã được thị kiến Đức Mẹ, được Đức Mẹ truyền cho cách đọc kinh Mân Côi theo cách mới thay vì đọc 150 kinh Lạy Cha thì sẽ đọc 150 kinh Kính Mừng.
Nội dung này cũng được thể hiện trong tác phẩm VĂN CÔI THÁNH NGUYỆT TÁN TỤNG THI CA như sau:
“… Bởi ông Thánh Đa Minh cha cả
Thấy ruộng thiêng cỏ rả mê man
Người lo buồn nguyện ngắm kêu than
Xin Đức Mẹ cực khoan thương đoái
Đức Mẹ thương xuống ơn rộng rãi
Trao tràng châu truyền hãy giảng khuyên …”
IV/ KẾT CẤU CỦA CHUỖI KINH MÂN CÔI:
Như đã trình bày ở trên, chuỗi Minh Mân Côi gồm có 150 hạt, được chia làm 15 chục tương ứng với 15 sự suy ngẫm của 3 mùa VUI – THƯƠNG – MỪNG (Mỗi mùa có 5 sự để suy ngẫm) và mỗi chục kinh được sắp xếp thứ thự như sau:
Đọc 1 sự suy ngẫm -> 1 Kinh Lạy cha -> 10 Kinh Kính Mừng -> 1 Kinh Sáng Danh. Như thế sau khi hoàn thành chuỗi Mân Côi thì người cầu nguyện đọc được 15 sự suy ngẫm, 15 kinh Lạy Cha, 150 kinh Kính Mừng, 15 kinh Sáng Danh.
Sau này, vì thấy chuỗi Kinh Mân Côi quá dài chỉ phù hợp cho các vị Tu Sĩ đeo cùng với đồng phục nhà dòng, người ta thiết kế ra chuỗi Mân Côi trung 50 hạt và chuỗi nhỏ đeo tay 10 hạt. Vì thế nếu muốn đọc trọn chuỗi mân côi truyền thống thì phải đọc 3 chuỗi trung hoặc 15 chuỗi nhỏ.
V/ Ý NGHĨA KINH MÂN CÔI:
Đối với tín đồ Công Giáo, kinh Mân côi là kinh đọc thường nhật. Đọc khi thức dậy buổi sáng, đọc vào giữa trưa, đọc vào buổi tối trước khi đi ngủ, đọc vào bất cứ lúc nào trong lòng muốn hướng thiện… Khi cầu nguyện kêu xin bất cứ việc gì thì trước tiên phải đọc kinh Mân Côi rồi sau đó mới đọc đến những kinh “chuyên ngành”. Giả sử muốn cầu nguyện cho các Linh hồn bị giam cầm thì phải đọc kinh Mân Côi rồi mới đọc kinh các linh hồn, hoặc khi cầu nguyện để trừ quỉ ám thì cũng phải đọc kinh Mân côi trước rồi mới đọc kinh trừ quỉ sau ..v.v